Đó là điều làm chúng mình khựng lại khi đọc lá thư xin học bổng của Nam. Trong những lá thư xin nhận học bổng, người ta thường viết về chuyện tại sao bạn nên trao học bổng cho tôi, tại sao tôi lại xứng đáng có nó. Còn Nam thì chỉ ước mình có thể nhường suất học bổng ấy cho một em bé khác.
Sinh ra trong một gia đình nghèo miền Tây, từ nhỏ tới lớn, chưa ngày nào Nam không phải đối diện với cơn đau sỏi đường mật ngay trên gan. Nhưng bao nhiêu ngày cơn đau ập đến, cũng là từng đó ngày, Nam gắng gượng, đều đặn đến lớp.
Trong hoàn cảnh ấy, những em bé như Nam là người hiểu rõ nhất, trân trọng nhất giá trị của việc có một điều kiện “bình thường”; một sức khỏe “bình thường” để đến trường và để có - cơ - hội “nhường suất học bổng cho những bạn cần hơn” như chính Nam ước muốn.
Câu chuyện của Nam, lần đầu tiên, mang tới cho chúng mình cảm nhận về sự quý giá của những điều “bình thường” chúng mình đang có - đầu tháng không lo cơm ăn, cuối tháng không lo trả nợ, vui vui thì làm cốc cà phê với bạn, chứ không phải bất kì điều gì to lớn ngoài kia.
Lần đầu tiên, chúng mình tự hỏi liệu sự “bình thường” đó, có thể san sẻ cho ai không?
300.000 với 1 lần đi chợ có thể cho Nam được bồi dưỡng thêm tiếng anh và tin học, cả tháng trời. 50.000 một cốc trà sữa hay một bữa ăn đặt ship về là cả một ngày công bán 50 chiếc vé số, dưới trời nắng, trước giờ đến lớp, của một em nhỏ miền Tây.
Liệu bạn có bao giờ tự hỏi sự bình thường mỗi ngày của mình lại có thể là sẻ san lớn lao để bắt đầu hành trình tương lai của một em bé?
Liệu sau khi biết rằng 2,1 triệu người miền Tây mù chữ, chúng ta có lựa chọn như Nam, san sẻ sự bình thường của mình, để có một suất học bổng cho một em nhỏ nghèo, ham học khác?
Đó là câu hỏi, mà mỗi người trong Hands On chúng mình đặt ra mỗi sáng thức dậy. Vì thế, chúng mình muốn kêu gọi bạn, cùng “cộng tay” với chúng mình, san sẻ chút “bình thường” để nuôi dưỡng thêm nhiều ước mơ - để Nam và không em bé nào miền Tây phải thốt lên đến thắt lòng khi nói về học phí, viện phí, và cả trăm thứ phí khác: “Em không thể nào thay tiền bằng thứ gì khác được, vì đó là quy định”.